BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI

Giáo Hội tái sinh. Thế nào là Giáo Hội? Nó phải nên như thế nào? Tại sao lại gọi bản chất Giáo Hội là tông truyền và công giáo?

Tông truyền có nghĩa mối liên kết hàng ngang của Giáo Hội kinh qua mọi thời đại. Giáo Hội, trước hết, được nối vào nguồn lịch sử với mười một người được Chúa chọn (còn mười một người, sau đó Ma-thêu được chọn thêm vào). Giáo Hội không phải là một huyền thoại hay một ý hệ bịa đặt, nhưng nó thật sự thả neo nơi biến cố  Đức Giê-su Ki-tô lịch sử, và nó luôn có thể chỗi dậy một cách mới mẻ từ gốc tông đồ đó. Điều này được biểu lộ không những qua việc Giáo Hội trung thành với chứng tá và niềm tin của các tông đồ xưa, mà còn cả qua việc bí tích. Vì thế, chúng ta không thể lâu lâu lại bắt Giáo Hội phải như thế này hay như thế nọ được. Mà Giáo Hội luôn phải gắn chặt với nguồn, phải là một tiếp nối liên tục của nguồn đó. Bí tích truyền chức linh mục cho thấy mối liên kết với cái nguồn không do ta tự nghĩ ra đó, và đồng thời cho ta biết Chúa Thánh Linh là đấng bảo đảm cho sự liên tục.

Còn công giáo?

Công giáo dịch nghĩa là “bao gồm toàn thể”, là cho hết mọi người. Nghĩa là Giáo Hội của toàn thế giới, của mọi nền văn hoá và mọi thời. Điểm này rất quan trọng. Là vì Giáo Hội không bao giờ được hạn hẹp lại trong một Giáo Hội quốc gia. Nó luôn phải vượt ra ngoài mọi biên cương. Không được trở thành một Babylon. Giáo Hội có mặt để nhân loại khỏi bị trấn át bởi cảnh hỗn loạn kình chống nhau. Nó có mặt để, bằng qua muôn thứ ngôn ngữ, dâng lên Thiên Chúa toàn bộ kho tàng tốt đẹp của nhân loại - và như vậy Giáo Hội cũng là lực giao hoà ở ngay giữa chính nhân loại.

Người công giáo có một lối nghĩ rất đặc biệt. Đó là một cách nhìn riêng về các biến cố, về con người và tất cả những gì xẩy ra trên sân khấu thế giới này. Có cách nào để định nghĩa lối nghĩ đó không ?

Khó nói. Tính cách công giáo thật ra được hình thành và nuôi dưỡng từ toàn thể lịch sử lòng tin, nhưng hình thái đặc thù của nó đã triển nở đặc biệt nơi Giáo Hội phương tây. Vì thế, một số yếu tố, mà ngày nay ta gọi là lối nghĩ công giáo, không đúng cho mọi thời và có thể đổi thay. Nhờ sự gia nhập của các dân tộc mới, nhờ việc bước ra tiến vào thời đại mới, mà ta có thể có được những thay đổi, những đào sâu, những đổi mới.

Tôi thấy hình như tự do đức tin nơi người tin lành bị hạn chế, họ ở trong tình trạng phải chọn một trong hai, hoặc cái này hoặc cái kia; còn nơi người công giáo có sự mềm dẻo hơn: Hoặc cái này lẫn cái kia. Công giáo coi trọng cái liên kết, nghĩa là chấp nhận cả kinh sách lẫn truyền thống, cả quyền bính lẫn tự do, cả đức tin lẫn việc lành. Đâu là cái khác đặc thù giữa tin lành và công giáo ?

Khó có thể trả lời một cách dễ dàng, nhất là khó mà quy vào một điểm duy nhất, mặc dầu quan điểm hoặc có hoặc không nơi Tin lành khá rõ ràng. Chủ trương duy Ki-tô – chỉ có Đức Ki-tô mà thôi – rất mạnh trong lối nghĩ của Luther. Trong khi đặc điểm của Công giáo là cố gắng tổng hợp. Nhưng nên tránh lối phân biệt bằng những công thức mô mẫu, bởi vì phía Tin lành có nhiều phái và bên Công giáo cũng mang nhiều thể - và nhất là vì ta chưa khai thác hết được những khả thể lịch sử trước mắt.

Dĩ nhiên, Công giáo luôn bài bác các công thức ‘duy’ của Tin lành, đặc biệt là duy Kinh, nghĩa là chỉ tin vào Kinh Thánh mà thôi. Công giáo vừa tin Kinh lẫn những gì tông truyền sống động, bởi vì tông truyền là chủ thể cưu mang Kinh, nó cũng là chủ thể Giáo Hội giải thích về Giáo Hội. Điểm “duy tin” cũng mang nghĩa giới hạn, là vì đức tin, trước hết, là cánh cửa duy nhất qua đó hồng ân Chúa đến với ta, nhưng rồi đức tin đó, như trong thư gởi Ga-lát nói, phải được thể hiện trong tình yêu. Ơn công chính hoá của cuộc sống Ki-tô giáo hệ tại nơi sự hoà tan giữa đức tin và tình yêu. Vì thế phải phá bỏ cái duy ở đây.

Tóm lại, cái khuynh hướng mở, khuynh hướng mà ta không thể coi thường tầm quan trọng của nó, chống lại chủ nghĩa loại trừ mang tính một chiều của các cái ‘duy’ trên, là một trong những cái khác biệt nền tảng.